Tài liệu kỹ thuật

Phân loại thiết bị theo dõi bệnh nhân

Khái niệm theo dõi bệnh nhân để chỉ việc theo dõi các thông số sinh lý của bệnh nhân. Quá trình theo dõi được thực hiện trên một hoặc đồng thời nhiều bệnh nhân. Thiết bị theo dõi bệnh nhân là một thiết bị điện tử có chức năng thu và hiển thị các thông số sinh tồn của bệnh nhân.

Theo chức năng sử dụng, các thiết bị theo dõi bệnh nhân hiện nay có thể được chia thành 4 nhóm:

 

- Thiết bị đo thông số sinh tồn (Vital Signs devices)

 

- Thiết bị theo dõi bên giường (Bedside Monitor devices)

 

- Thiết bị di động theo dõi từ xa (Ambulatory Telemetry devices)

 

- Hệ thống theo dõi trung tâm (Central Station systems)

 

 

1. Thiết bị đo thông số sinh tồn:

 

Đây là các thiết bị được sử dụng để kiểm tra nhanh (spot-check) các thông số sinh tồn cơ bản của bệnh nhân. Thiết bị được thiết kế để có thể sử dụng cho người lớn, trẻ em và trẻ sơ sinh. Vì lí do được sử dụng để đo liên tục trên nhiều bệnh nhân nên các thiết bị này cần có một số đặc điểm sau: thiết kế gọn nhẹ, cơ động, bền; pin có khả năng giúp máy hoạt động được trong một thời gian dài. Trong thực tế, các thiết bị này có kích thước cầm tay đến kích thước xấp xỉ lốc nước ngọt nhỏ, thiết bị cũng có thể được đặt trên xe đẩy để dễ dàng di chuyển giữa các bệnh nhân.

 

Thiết bị đo thông số sinh tồn được sử dụng trên các bệnh nhân đã tương đối ổn định, tình trạng sức khỏe ít nghiêm trọng. Các thiết bị này phù hợp với nhiều môi trường như tuyến y tế trước bệnh viện (phòng khám, đội cấp cứu,…), trung tâm phẫu thuật, tại bệnh viện (khoa cấp cứu, phòng mổ, phòng chăm sóc đặc biệt,…)

 

Thiết bị trong nhóm này hỗ trợ kiểm tra các thông số cơ bản nhất:

 

- Nhiệt độ: Ghi nhiệt độ ngắt quãng, không liên tục, vị trí đo thường là miệng, nách, tai, thái dương.

 

- Nhịp tim: Không hỗ trợ ECG liên tục, đo nhịp tim từ nguồn SpO2 hoặc NIBP

 

- NIBP: chỉ hỗ trợ đo huyết áp không xâm lấn, hỗ trợ chế độ đo tự động theo chu kỳ (1 phút, 2 phút, 5 phút,…)

 

- SpO2: Hỗ trợ đo nhanh SpO2 hoặc theo dõi liên tục

 

Một số tính năng khác của các thiết bị thuộc nhóm này:

 

- Có thể cài đặt báo động: thiết bị sẽ báo động bằng âm thanh và hình ảnh khi giá trị đo nằm ngoài khoảng được cài đặt

 

- Lưu dữ liệu về bệnh nhân: thiết bị thường có bộ nhớ không lớn lắm

 

- Máy in nhiệt

 

- Hỗ trợ một số giao thức kết nối mạng

 

- Có thể kết nối hệ thống theo dõi trung tâm.

 

Các thiết bị thuộc nhóm này chưa được sử dụng nhiều tại Việt Nam.

 

 

 

2. Thiết bị theo dõi bên giường:

 

Là một thiết bị có khả năng theo dõi liên tục các thông số sinh lý của bệnh nhân. Tùy theo tình trạng của bệnh nhân, thiết bị được được thiết kế để có thể đáp ứng theo dõi các thông số cần thiết.

 

Theo cách thiết kế, hiện nay có 2 loại thiết bị theo dõi bên giường

 

- Thiết bị có cấu hình “cứng” (configured device): các thông số theo dõi đã được cấu hình sẵn từ lúc sản xuất, thường không thể thay đổi trong quá trình sử dụng. Không thể trao đổi tính năng theo dõi giữa các máy. Đây là kiểu thiết kế truyền thống.


- Thiết bị dạng mô đun (modular device): là kiểu thiết kế hiện đại. Thiết bị dạng này có một “sườn” máy chính với các khe cắm, các bo mạch để xử lý tín hiệu theo dõi được tách ra thành các mô đun riêng rẽ. Khi cần theo dõi một thông số nào đó, người sử dụng chỉ cần cắm các mô đun tương ứng vào các khe này. Các mô đun thông số có thể được di chuyển giữa các máy.

 

Thiết kế kiểu mô đun giúp thiết bị theo dõi linh động hơn nhưng cũng có thể gây khó khăn cho người sử dụng khi phải tìm kiếm các mô đun. Các mô đun có thể tháo rời nên dễ bị thất lạc, hư hỏng nếu sử dụng không cẩn thận. Thiết bị có cấu hình “cứng” không linh động nhưng đơn giản hơn cho người sử dụng.

 

Thiết bị theo dõi bên giường phải theo dõi được nhiều thông số sinh lý, các thông số thường được theo dõi là:

 

- Nhiệt độ: theo dõi liên tục, vi trí đo là miệng, nách, thực quản, máu,…

 

- Nhịp tim: đo từ nguồn ECG, SpO2, huyết áp xâm nhập (IBP), huyết áp không xâm nhập (NIBP)

 

- Nhịp thở

 

- ECG: 3-lead, 5-lead, 6-lead

 

- NIBP: hỗ trợ chế độ đo tự động theo chu kỳ, chế độ đo STAT

 

- SpO2: hỗ trợ theo dõi SpO2 liên tục

 

Một số thiết bị hỗ trợ theo dõi các thông số nâng cao:

 

- ECG: 12 chuyển đạo, phân tích loạn nhịp, phân tích ST

 

- Khí CO2 (capnography)

 

- Huyết áp xâm nhập: có thể 1 hoặc nhiều kênh

 

- Cung lượng tim (Cardiac Output) và các thông số huyết động (Hemodynamic)

 

- Phân tích khí (khí gây mê, O2 và CO2)

 

- Chỉ số hôn mê (BIS)

 

- Thông số hô hấp

 

Với sự tiến bộ của công nghệ, ngày càng có nhiều thông số sinh lý có thể theo dõi.

 

Các thông số kỹ thuật cần lưu ý khi chọn thiết bị theo dõi bên giường:

 

- Hệ thống báo động: khoảng có thể cài đặt, hình thức báo động, mức độ báo động,…

 

- Máy in nhiệt

 

- Giao diện điều khiển: Màn hình cảm ứng, phím bấm, phím xoay, chuột hay bàn phím?

 

- Kích thước màn hình hiển thị

 

- Số dạng sóng có thể hiển thị

 

- Kiểu dáng,…

 

Một vấn đề cần lưu ý với thiết bị theo dõi bên giường là bộ nhớ. Hầu hết thiết bị nhóm này đều có bộ nhớ tương đối lớn. Các dữ liệu theo dõi lưu trong bộ nhớ được gọi là dữ liệu “Trend”. Dữ liệu “Trend” hiểu một cách đơn giản như ý nghĩa của từ này là “xu hướng”. Từ các dữ liệu lưu trong quá khứ, bác sĩ có thể đánh giá được xu hướng thay đổi trạng thái bệnh nhân. Khả năng nhớ của các thiết bị ngày càng được các nhà sản xuất tăng cường. Các thiết bị hiện nay có khả năng lưu dữ liệu theo dõi từ 24 giờ đến 96 giờ, lưu báo động, lưu toàn bộ sóng điện tim (full disclosure),…

 

Về khả năng giao tiếp: Hầu hết các thiết bị nhóm này đều có thể giao tiếp với hệ thống theo dõi trung tâm. Ngoài ra một số thiết bị có thể giao tiếp với máy in (trực tiếp hoặc thông qua server), giao tiếp giữa các thiết bị theo dõi với nhau hoặc giao tiếp với các thiết bị theo dõi di động. Các thiết bị theo dõi được sử dụng tại các cơ sở y tế ở Việt Nam chủ yếu thuộc nhóm này.

 

 

 

3. Thiết bị di động theo dõi từ xa

 

Trong một số trường hợp, bác sĩ cần theo dõi điện tim của người bệnh nhưng người này không yếu đến mức phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt. Khi đó bác sĩ cần đến thiết bị di động theo dõi từ xa. Đây là các thiết bị ghi tín hiệu ECG liên tục và gửi qua một hệ thống truyền dữ liệu không dây để hiển thị tại một hệ thống trung tâm. Nhóm thiết bị này còn được gọi là Mobile Cardiac Outpatient Telemetry (MCOT).

 

Thiết bị di động theo dõi từ xa được sử dụng cho các bệnh nhân ít nghiêm trọng, có thể sử dụng trong bệnh viện, trong khoa cấp cứu để theo dõi bệnh nhân, bệnh nhân đi lại nhiều hay có quá nhiều bệnh nhân.

 

Các thông số theo dõi:

 

- ECG: 3 lead, 5 lead, 6 lead

 

- Nhịp tim: Nguồn là ECG hoặc SpO2

 

- SpO2: Có thể hỗ trợ theo dõi SpO2 liên tục

 

- Nhịp thở: Tất cả các thiết bị trên thị trường chưa hỗ trợ theo dõi thông số này

 

- NIBP: Tất cả các thiết bị trên thị trường chưa hỗ trợ theo dõi thông số này

 

Thiết bị di động theo dõi từ xa hoạt động bằng pin nên thời gian sống của pin có ý nghĩa rất quan trọng. Thiết bị cũng cần được thiết kế gọn nhẹ và tiện dụng vì được đeo trên người bệnh nhân trong một thời gian dài

 

Về tính năng lưu trữ và giao tiếp: Các thiết bị này phải giao tiếp được với hệ thống theo dõi trung tâm. Dữ liệu theo dõi được hiển thị và lưu trên hệ thống trung tâm nên thiết bị không cần bộ nhớ. Hiện nay, các thiết bị thuộc nhóm này chưa được sử dụng tại Việt Nam.

 

Thiết bị MCOT giống với thiết bị Holter và thiết bị di động theo dõi sự kiện – Ambulatory Event Monitor (AEM) ở đặc điểm được đeo vào người bệnh nhân để ghi tín hiệu ECG. Tuy nhiên, Holter và AEM lưu dữ liệu vào bộ nhớ, sau đó một phần mềm được sử dụng để đọc và phân tích dữ liệu này còn MCOT truyền tín hiệu về hệ thống trung tâm, giúp theo dõi ECG liên tục theo thời gian thực và cho phép theo dõi trong một thời gian dài hơn.

 

 

 

4. Hệ thống theo dõi trung tâm

 

Hệ thống theo dõi trung tâm (HTTDTT) là thiết bị theo dõi từ xa và hiển thị dữ liệu thu được từ nhiều bệnh nhân. Thiết bị này thường được đặt tại phòng trực của điều dưỡng viên để tăng khả năng theo dõi đồng thời trên nhiều bệnh nhân. Hệ thống có thể hiển thị dữ liệu từ các thiết bị đo thông số sinh tồn, thiết bị theo dõi bên giường và thiết bị di động theo dõi từ xa.

 

HTTDTT giao tiếp với các thiết bị theo dõi thông qua mạng cáp nội bộ (LAN) hay mạng không dây. Hệ thống có thể tạo các thông báo báo động tương ứng với từng thiết bị theo dõi trong mạng. Hệ thống có thể sử dụng tại nhiều khoa trong bệnh viện.

 

Các HTTDTT hiện nay thường được sử dụng với máy in laser. Người sử dụng thường không  chuyên về tin học nên phần mềm cần được thiết kế đơn giản, dễ sử dụng. HTTDTT có thể giao tiếp 2 chiều với các thiết bị theo dõi bên giường, ví dụ khi thay đổi các giới hạn báo động trên thiết bị con sẽ thay đổi trên hệ thống trung tâm và ngược lại. Hệ thống tốt là hệ thống hỗ trợ đầy đủ các thao tác giao tiếp 2 chiều.

 

HTTDTT cần có bộ nhớ lớn (lớn hơn rất nhiều so với từng thiết bị đơn lẻ) giúp lưu đầy đủ các dữ liệu theo dõi cho tất cả bệnh nhân. Hệ thống cũng có thể gửi dữ liệu vào các hồ sơ y tế điện tử (EHR) , giao tiếp với một thiết bị bên ngoài mạng, kết nối hệ thống gọi y tá,…

 

HTTDTT có rất nhiều ưu điểm nhưng chưa được sử dụng nhiều tại Việt Nam vì chi phí dành cho phần mềm là khá cao và cơ sở hạ tầng thông tin y tế của chúng ta cũng chưa đồng bộ. Đây cũng là cơ hội cho các công ty công nghệ thông tin Việt Nam nghiên cứu, xây dựng các giải pháp phù hợp với điều kiện trong nước.